Luật Khoáng sản (sửa đổi) – Hài hòa lợi ích quốc gia, địa phương và doanh nghiệp


Tài nguyên khoáng sản phải đem lại lợi ích cho quốc gia, làm giàu cho người dân địa phương nơi có mỏ, giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững và môi trường vùng mỏ cần được bảo vệ… Chính sách quản lý tài nguyên khoáng sản phải đạt được những mục tiêu trên.
Tuy nhiên trên thế giới đã có một số trường hợp có khoáng sản mà dân nghèo đi. Châu Phi là minh chứng rõ nhất cho lời nguyền tài nguyên. Lục địa giàu có tài nguyên khoáng sản này vẫn đang đối mặt với đói nghèo, bệnh dịch, chiến tranh… Công-gô, Ăng-gô-la, Su-đăng trải qua những xung đột sắc tộc, nội chiến tranh giành quyền lực và tài nguyên. Ni-giê-ria bị ảnh hưởng nặng nề do nạn tham nhũng. Hay Hà Lan đã từng chỉ đẩy mạnh xuất khẩu tài nguyên mà không đầu tư trở lại khiến ngành công nghiệp chế tạo bị suy giảm. Việc lưa chọn một chính sách hợp lý, minh bạch sẽ quyết định tới thành công của tối đa hóa lợi ích từ tài nguyên khoáng sản.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, tình trạng khai thác mỏ tràn lan ở các địa phương khiến địa phương bị ô nhiễm, hạ tầng xuống cấp, tệ nạn xã hội phát sinh trong thời gian qua là do lợi ích toàn dân đã bị biến thành lợi ích nhóm, trách nhiệm bảo vệ không rõ ràng, phân chia nguồn thu không hợp lý khiến giá trị của khoáng sản tập trung vào các doanh nghiệp mà Nhà nước thì thất thu. Như Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên từng ví "có được một mỏ thì ăn mấy đời mới hết".
Tại một hội thảo mới đây về lựa chọn chính sách quản lý tài nguyên khoáng sản do Trung tâm Thiên nhiên và Con người (PanNature) tổ chức, các nhà khoa học khẳng định: Chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc biến nguồn công sản này (tài nguyên khoáng sản) thành nguồn lực để xóa đói giảm nghèo phát triển đất nước.
Góp ý cho dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi), ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature, cho rằng, cần xác định rõ lựa chọn chính sách nào sẽ được áp dụng để đảm bảo tối đa hóa lợi ích, đặc biệt là nguồn thu, từ tài nguyên khoáng sản. Luật Khoáng sản (sửa đổi) phải trở thành công cụ chính sách được lựa chọn làm trọng tâm trong ba cách tiếp cận: Thuế và phí; Định giá, đấu giá mỏ; Quốc hữu hóa toàn phần. Việc lựa chọn một hướng đi cụ thể sẽ giúp đảm bảo ưu tiên và trọng tâm chính sách, nhằm tối đa hóa nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ hoạt động khoáng sản.
TS. Lê Đăng Doanh đề nghị, cần đẩy mạnh thăm dò địa chất, xác định chính xác hơn trữ lượng, giá trị và khả năng khai thác. Cần xây dựng một chiến lược gìn giữ và khai thác tài nguyên một cách hiệu quả, tránh tâm lý nhiệm kỳ, "đời cua cua máy, đời cáy cáy đào" thiếu trách nhiệm với thế hệ mai sau.
Luật Khoáng sản (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thảo luận xem xét vào ngày 27/10 tới đây. Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần này đã có những đổi mới nhằm quản lý khoáng sản theo hướng bền vững. Đó là dự thảo Luật làm rõ nguyên tắc phân chia nguồn thu trong hoạt động khoáng sản nhằm hài hòa lợi ích giữa địa phương, Nhà nước và doanh nghiệp. Cũng để hài hòa lợi ích, việc đấu giá quyền thăm dò – khai thác khoáng sản quy định trong dự thảo sẽ dần xóa bỏ tình trạng xin – cho trong cấp phép, tạo sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư và quan trọng là chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, hạn chế tình trạng mua đi bán lại các dự án…
Quan niệm khoáng sản là tài nguyên không tái tạo và nhu cầu khai thác, sử dụng ngày càng tăng trên quy mô quốc gia, khu vực và toàn cầu, các nguyên tắc về hưởng lợi công bằng giữa các thế hệ và đề phòng bị khai thác cạn kiệt được thể hiện sâu sắc trong Luật Khoáng sản sửa đổi.
 
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường

panen77

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.