Chạy đua “thôn tính” đất dự án

 Với quy mô từ vài trăm đến vài ngàn héc-ta, các dự án bất động sản lớn, cực lớn đang “thôn tính” một diện tích đất đáng kể tại các địa phương.

 Chạy đua gọi vốn vào dự án bất động sản

Theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước hiện có trên 2.500 dự án nhà ở, khu đô thị mới và dự án kinh doanh bất động sản khác, với diện tích đất khoảng 80.000 ha.

TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng dự án, với hơn 1.400 dự án. Hà Nội là địa phương đứng thứ hai, với trên 800 dự án. Tuy nhiên, Hà Nội lại dẫn đầu về diện tích chiếm đất của các dự án (hơn 75.000 ha đất).

 

Các địa phương khác có ít dự án kinh doanh bất động sản hơn, song diện tích chiếm đất cũng rất đáng kể là Hải Phòng (khoảng 260 dự án), Đà Nẵng (trên 120 dự án)… Một số địa phương có nhiều dự án kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị mới như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hoá, Trà Vinh, Cần Thơ…, song chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số dự án và diện tích đất.

Tại Bắc Giang, theo báo cáo của địa phương, chỉ tính riêng 12 dự án bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng (6 dự án khu du lịch sinh thái, 4 dự án khu nghỉ dưỡng và 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng có sân golf) đã có diện tích hơn 1.000 ha. Tỉnh Bình Phước cũng đang kêu gọi đầu tư 3 dự án bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng lớn, với diện tích chiếm đất 5.237 ha…

 

“Điểm mặt” siêu dự án

Là một tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp, Phú Thọ mới đây đã làm xôn xao giới kinh doanh bất động sản bằng việc phê duyệt chi tiết “siêu đô thị” du lịch sinh thái – Dream City. Đây là dự án khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng – thể thao có diện tích chiếm đất được xem là lớn nhất miền Bắc, tọa lạc tại 9 xã thuộc huyện Tam Nông, với tổng diện tích 2.069,28 ha – bằng 1/7 diện tích của huyện này.

Dự án Dream City gây ngạc nhiên giới đầu tư bởi diện tích “khủng” cũng như đẳng cấp “quốc tế” mà chủ đầu tư thuyết trình. Buổi giới thiệu dự án được tổ chức hoành tráng tại Khách sạn Grand Plaza (Hà Nội), nhưng chủ đầu tư tuyệt nhiên không cho biết kế hoạch huy động vốn cũng như thời gian hoàn thành dự án này!

Ngay tại Hà Nội – nơi “đất chật, người đông”, năm 2010, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) cũng khiến giới đầu tư phải “ghen tị” khi công bố “siêu đô thị” tại Tiến Xuân (Quốc Oai, Hà Nội), với diện tích gần 1.240 ha.

Tại các địa phương, có rất nhiều dự án quy mô vài trăm héc-ta, như Khu đô thị EcoPark (Hưng Yên) 499,7 ha; Khu đô thị Nam Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 446,9 ha; Khu phức hợp giải trí Happyland (Long An) 338,98 ha; Khu đô thị mới Nam Đầm Cói – TMS (Vĩnh Phúc) 234 ha; Dự án sân golf – khách sạn Hoàng Đồng Lạng Sơn (Lạng Sơn) 186 ha…

Dự án bất động sản “bất động”

Một thực tế đáng buồn là tiến độ thực hiện nhiều dự án bất động sản hết sức chậm chạp; một diện tích đất rất lớn sau khi thu hồi, giải phóng mặt bằng, hoặc đang đền bù, giải phóng mặt bằng, đã để cỏ mọc hoang từ nhiều năm nay.

Tại Hà Nội, hàng trăm dự án bất động sản đã được cấp phép cho các chủ đầu tư, nhưng số lượng dự án được triển khai thực hiện còn quá khiêm tốn. Trong số hơn 800 dự án bất động sản được thống kê, số dự án đang triển khai thực hiện chỉ chiếm chưa đầy 20%.

Tại Thanh Hoá, trong số 36 dự án bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng, chỉ có 1 dự án đã đi vào hoạt động, 12 dự án đang giải phóng mặt bằng, 17 dự án trong giai đoạn lập dự án đầu tư và 6 dự án mới xin chủ trương đầu tư.

Tại Vĩnh Phúc, hàng chục dự án kinh doanh bất động sản đã được quy hoạch kín xung quanh Thành phố Vĩnh Yên, như Khu đô thị mới Nam Đầm Vạc ( 39,5 ha), Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (447 ha), Khu đô thị mới Nam Đầm Cói – TMS (234 ha), Khu biệt thự Hồ Thiên Nga (14,5 ha), Khu dân cư Đồng Rừng – Hội Hợp (5,2 ha), Khu đô thị mới Hùng Vương – TMS (22 ha). Đặc biệt, có những doanh nghiệp được tỉnh cho phép đầu tư cùng lúc 2 – 3 dự án, nhưng đến nay, hầu hết các dự án này vẫn chưa san lấp mặt bằng.

(Theo Đầu tư)

 

 

panen77

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.