Hai tồn tại trong xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính: Nhận thức và nguồn lực

ại Hội nghị ngày 29/11 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh, 4 khâu: đo đạc bản đồ, lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính phải được kết nối liền mạch, đồng bộ, có quan hệ mật thiết với nhau. Các địa phương cần xác định, sản phẩm cuối cùng là cơ sở dữ liệu địa chính không chỉ là đo đạc lập bản đồ hay cấp Giấy chứng nhận.

Cấp Giấy chưa theo kịp đo đạc

Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, từ khi có Dự án tổng thể về đo đạc lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, các tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác này, có những bước tiến trong kiện toàn hệ thống hồ sơ địa chính, hướng đến một nền số liệu về đất đai hoàn chỉnh, đồng bộ.

Theo báo cáo của các Sở TN&MT, trong 4 năm qua, phần lớn các tỉnh, thành đều triển khai mạnh việc thực hiện Dự án tổng thể với 201 công trình trên phạm vi 249 huyện, nhiều nhất là các tỉnh: Thanh Hóa (19 huyện), Nghệ An (17 huyện), Bắc Giang (10 huyện), Đắk Lắk (11 huyện), Bình Thuận (8 huyện). Đến tháng 11/2011, cả nước đã thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính với khoảng 76% diện tích cần đo đạc. Việc cấp Giấy chứng nhận cũng đạt kết quả khả quan, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận ở hầu hết các loại đất đều đạt trên 80%, trừ đất chuyên dùng (60,5%) và đất ở đô thị (63,5%).

Tuy nhiên, so với tiến độ đo vẽ bản đồ địa chính, tiến độ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính ở các địa phương còn chậm. Các tỉnh hầu hết đều thực hiện dự án theo kiểu đo đạc xong toàn bộ diện tích, chú trọng vào những huyện chưa được đo đạc, huyện miền núi, rồi mới tiến hành lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận. Trong khi, muốn có được cơ sở dữ liệu địa chính, dù mỗi tỉnh làm điểm ở một vài huyện, thì phải tập trung thực hiện và hoàn thành dứt điểm việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính cho các xã, huyện đã hoàn thành đo vẽ bản đồ.

Khó khăn lớn hiện nay là hầu hết các tỉnh đều không cân đối hoặc bố trí đủ kinh phí. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các tỉnh bố trí tối thiếu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận. Song thực tế tại 40 tỉnh (được Trung ương hỗ trợ kinh phí), trong ba năm qua, chỉ được tỉnh đầu tư khoảng 4% so với tiền sử dụng đất.

Nhiều tỉnh chỉ đầu tư kinh phí cho việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và phân cấp cho huyện, xã tự lo kinh phí thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận là nguyên nhân cơ bản của tình trạng đo vẽ xong bản đồ mà không thực hiện được việc đăng ký, lập hồ sơ địa chính, tiến độ cấp Giấy chứng nhận không tăng, làm giảm hiệu quả đầu tư.

 Khó khăn nữa là nguồn nhân lực. Hệ thống Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất – đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trọng là đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, cập nhật biến động… – dù đã được thành lập đầy đủ ở hầu hết các địa phương song thiếu cán bộ chuyên môn, nhất là cán bộ kỹ thuật về công nghệ thông tin. Cán bộ địa chính cấp xã thực hiện rất nhiều công việc song thường các xã chỉ có một cán bộ, nhiều địa phương không được duy trì ổn định do thay đổi cán bộ hoặc luân chuyển giữa các xã…

Hướng tới cơ sở dữ liệu địa chính quốc gia đa mục tiêu

Có hai tồn tại cần giải quyết để tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được đẩy nhanh và đồng bộ, là nhận thức và nguồn lực.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, các tỉnh cần xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Cơ sở dữ liệu địa chính hoàn chỉnh, thống nhất, có tính liên kết cao sẽ không chỉ phục vụ tích cực cho việc quản lý đất đai mà còn là dữ liệu đầu vào quan trọng cho các ngành thuế, xây dựng… Theo Chỉ thị 1474 của Thủ tướng, UBND tỉnh chính là "người chủ động" trong công tác này, chịu trách nhiệm từ việc chỉ đạo, lập kế hoạch, kiểm tra đến kiện toàn bộ máy, bố trí kinh phí, theo dõi chỉnh lý biến động…

Để tăng hiệu quả đầu tư trong bối cảnh cả nước thắt chặt chi tiêu, kiềm chế lạm phát, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, các tỉnh cần tính toán sát nhu cầu kinh phí cho các nhiệm vụ mà tỉnh có thể thực hiện với khả năng của mình. Thứ trưởng lưu ý, các tỉnh cần xác định mục tiêu cuối cùng là cơ sở dữ liệu địa chính được kết nối theo các cấp xã – huyện – tỉnh, cao hơn là Trung ương, chứ không chỉ là đo đạc, cấp Giấy chứng nhận.

"Trong năm 2012, mỗi tỉnh cần tập trung hoàn thành dứt điểm đo đạc, lập hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính một cách hoàn chỉnh ở một vài huyện. Khi có mô hình điểm, sẽ nghiên cứu tạo hành lang pháp lý để duy trì, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai hiệu quả và nhân rộng toàn quốc, hình thành cơ sở dữ liệu địa chính cấp quốc gia phục vụ đa mục tiêu", Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển lưu ý.

"Nếu đo đạc xong mà không thực hiện cấp Giấy chứng nhận và cập nhật biến động thì chỉ vài ba năm, số liệu đo vẽ bị lạc hậu, phải chỉnh lý hoặc đo vẽ lại sẽ rất lãng phí và tốn kém", Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nói. 

 Theo BTNMT

panen77

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.