Gặp mặt lãnh đạo Bộ, Tổng cục qua các thời kỳ

Chiều 26/8, Bộ trưởng Bộ TN&MT nhiệm kỳ khóa 13 Nguyễn Minh Quang đã có buổi gặp mặt với lãnh đạo Bộ, các Tổng cục qua các thời kỳ. Tới dự buổi gặp mặt có ông Mai Ái Trực – nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT khóa 11, ông Phan Quốc Tường – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Mỏ địa chất, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, ông Bùi Xuân Sơn – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, ông Tôn Gia Huyên – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, ông Nguyễn Đức Ngữ – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, ông Đỗ Hải Dũng – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT. Cùng dự có Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức, các Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, Nguyễn Thái Lai, Trần Hồng Hà, Nguyễn Linh Ngọc.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chào mừng các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ, Tổng cục đã tới dự buổi gặp mặt và hoan nghênh các ý kiến đóng góp xây dựng ngành ngày càng vững mạnh. Bộ trưởng mong muốn, cuộc gặp gỡ sẽ được tổ chức hàng năm, như một truyền thống của ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang hoan nghênh những ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ, các Tổng cục
 

Tại buổi gặp gỡ, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ, Tổng cục đã chia sẻ những suy nghĩ, đóng góp những ý kiến thiết thực về quản lý TN&MT trong giai đoạn mới.

Nguyên Bộ trưởng Mai Ái Trực đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khi trả lời phỏng vấn báo chí, đó là phải ưu tiên chú trọng hoàn thiện thể chế và siết chặt thanh kiểm tra. Theo ông Mai Ái Trực, trong quản lý Nhà nước, Bộ TN&MT như người “giữ nắm cửa”, giữ chắc thì cánh cửa pháp luật được nghiêm minh, không thể để bị “lấn” mở từng chút một thì có lúc cửa mở tung lúc nào không hay.

Ông Mai Ái Trực cho rằng, xây dựng thể chế cần 3 yêu cầu chính, đó là rõ ràng, cụ thể và coi người dân là trung tâm.

Các chính sách pháp luật về TN&MT dứt khoát là rõ ràng đi theo cơ chế thị trường mới tránh được phát sinh tiêu cực, như phải định giá đất, giá mỏ cho đúng mới tránh được xin – cho, tham nhũng…

Các Luật, Nghị định, Thông tư… phải rất cụ thể. Đặc biệt là Luật, có cụ thể thì khi ra đời mới áp dụng được ngay, tránh phải chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn mới sử dụng được.

Ông Trực nhấn mạnh đến tính “hợp lòng dân”, chính sách phải vì lợi ích của dân mới đi vào cuộc sống.

Đối với thanh tra kiểm tra, nguyên Bộ trưởng Mai Ái Trực phản ánh thực tế, có những điều Luật hiện nay đã khá chặt chẽ, có sai phạm là do thực hiện không nghiêm. Khi đó thanh tra, kiểm tra phải vào cuộc và vào cuộc một cách nghiêm minh mới răn đe hiệu quả.

Ông Bùi Xuân Sơn – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính cho rằng, 7 lĩnh vực TN&MT đều rất phức tạp và dễ động chạm đến quyền lợi nhiều đối tượng. Bởi thế quản lý TN&MT phải thật khéo, mềm dẻo nhưng không kém phần kiên quyết. Việc phân cấp cho địa phương phải rõ ràng song không phải phân cấp hết. Bộ phải giữ quản lý những tài nguyên chủ chốt.

Ông Phạm Quốc Tường – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Mỏ địa chất, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng nhấn mạnh, Đảng đã có Cương lĩnh mới, Bộ cũng cần phát triển theo chiều hướng mới. Ông Tường lưu ý đến việc đào tạo cán bộ trên cả mặt quản lý Nhà nước và khoa học kỹ thuật, bởi TN&MT là những ngành kinh tế kỹ thuật rất chuyên sâu.

“Bây giờ công tác quản lý Nhà nước về TN&MT quá phức tạp và biến đổi cực nhanh so với trước đây, đòi hỏi người làm quản lý, hoạch định chính sách phải cực kỳ nhạy bén với thời cuộc”, ông Tôn Gia Huyên – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính nói. Ông cho biết, ông đã, đang và sẽ sẵn sàng đóng góp về xây dựng Luật Đất đai để đưa việc quản lý đất đai ngày càng ổn định, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên quan trọng này.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Nguyễn Đức Ngữ vui mừng khi Bộ có chủ trương tái lập lại Tổng cục Khí tượng Thủy văn, bởi theo ông, mô hình Tổng cục sẽ điều hành thống nhất toàn bộ hệ thống khí tượng thủy văn rộng khắp và nhiều khâu kết nối. Ông Ngữ cho rằng, việc đầu tư lớn cho ngành khí tượng thủy văn trong những năm qua là tín hiệu đáng mừng song lại lo về trình độ đội ngũ cán bộ không theo kịp những công nghệ mới. Vì vậy, Bộ TN&NT cần có chính sách đào tạo cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

Toàn cảnh buổi gặp mặt

Trăn trở với quản lý địa chất khoáng sản, nguyên Thứ trưởng Đỗ Hải Dũng cho rằng, kiên quyết phải xử phạt, có chế tài nghiêm khắc với các sai phạm trong quản lý, khai thác khoáng sản. Thanh tra, kiểm tra cần được đẩy mạnh, quyết liệt và rạch ròi. “Điều tra cơ bản là khâu then chốt của địa chất khoáng sản, là cơ sở để quản lý, quy hoạch, thiết kế khai thác nhưng hiện lại khó khăn về kinh phí. Điều tra khoáng sản biển mới làm được một phần rất nhỏ, hơn nữa mỗi lần làm khảo sát thăm dò lại phải thuê trang thiết bị. Đó là việc cần làm quyết liệt trong thời gian tới”, ông Dũng nói.

Thứ trưởng Đỗ Hải Dũng hy vọng, với kinh nghiệm làm việc ở địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang sẽ có cái nhìn vừa bao quát, vừa chi tiết, giải quyết những vấn đề bất cập trong quản lý TN&MT ở địa phương, nhất là tài nguyên khoáng sản.

Trước đó, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức đã thông tin ngắn gọn về cơ cấu tổ chức cũng như các hoạt động chính của Bộ trong thời gian gần đây và sắp tới.
 

 

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.