Hạn chế chuyện mua đi, bán lại các mỏ

Luật Khoáng sản được sửa đổi theo hướng siết chặt việc chuyển nhượng quyền khai thăm dò, khai thác của doanh nghiệp với những quy định chặt chẽ và vai trò điều khiển của Nhà nước.

Hết thời "mỗi anh ôm một ít"?

Các thành viên Thường vụ QH thống nhất phân loại quy hoạch khoáng sản gồm Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản giao cho Bộ TN-MT và Quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản với hai cấp trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Vấn đề tranh cãi là cơ quan nào chịu trách nhiệm lập Quy hoạch thăm dò khai thác khoảng sản cấp trung ương.

Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng ý với phương án do Bộ TN-MT đề xuất, theo đó, Quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản của cả nước sẽ do Bộ TN-MT đảm trách. Căn cứ vào đó, các bộ ngành khác lập quy hoạch chế biến và sử dụng khoáng sản. 

Nhưng Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam băn khoăn: Lập quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản trong phạm vi cả nước với cả trăm loại khoáng sản, đòi hỏi quy mô và công nghệ khác nhau, liệu một mình Bộ TN-MT có thể đảm nhiệm? 

Ông Nam phân tích, trong nhiều trường hợp, quy hoạch chế biến và sử dụng khoáng sản của từng địa phương, từng ngành còn phải có trước quy hoạch thăm dò và khai thác, đặc biệt với những địa phương ưu tiên bảo vệ cảnh quan môi trường nên hạn chế khai thác tài nguyên. 

Vì vậy ông yêu cầu giữ nguyên phân công lập quy hoạch như ở Luật khoáng sản năm 2005, theo đó Bộ TN-MT chịu trách nhiệm điều tra khảo sát cơ bản, Bộ Công thương lên quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng những tài nguyên thuộc quản lý của bộ, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về nguyên liệu sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng thông thường, cấp địa phương chịu trách nhiệm về vật liệu xây dựng thông thường và đá vôi. 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền lập luận: lâu nay Bộ TN-MT không có quy hoạch chung mà vẫn phải cấp giấy phép thăm dò và khai thác khoáng sản, vì vậy bộ này cần có một quy hoạch gốc để cụ thể hoá chiến lược tài nguyên khoáng sản của nhà nước, làm cơ sở cho các quy hoạch riêng của từ bộ ngành, địa phương. 

Do các ý kiến còn chưa thống nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị đề Chính phủ ra nghị định hướng dẫn thi hành chứ luật không quy định cụ thể. 

Việc khoản thu về cấp quyền khai thác khoáng sản, tương tự như khoản thu về cấp quyền sử dụng đất, sẽ được tính toán theo căn cứ nào, cũng là vấn đề ông Kiên cho rằng cần chờ nghị định của Chính phủ.

khoangsan.jpg

Cần có một quy hoạch gốc để cụ thể hóa chiến lược tài nguyên khoáng sản

của Nhà nước. Ảnh: Hà Nội mới

Chấm dứt xin – cho 

Một số ý kiến cho rằng không nên đấu giá quyền thăm dò do hiện nay, với năng lực khoa học kỹ thuật của cơ quan chức năng cấp trung ương và địa phương còn hạn chế, việc xã hội hoá công tác thăm dò là việc cần khuyến khích. 

Ông Phùng Quốc Hiển lại cho rằng thăm dò cũng có thể là một hình thức kinh doanh có lợi nhuận khi kết quả thăm dò trở thành thông tin bán được, nhiều doanh nghiệp sẽ muốn tham gia, khi đó cần đấu giá. 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì “loay hoay” chưa rõ giá thăm dò sẽ được tính toán trên cơ sở nào.  

Trong khi đó, hầu hết các ý kiến ủng hộ cho phép chuyển nhượng quyền khai thăm dò, khai thác của doanh nghiệp với những quy định chặt chẽ và vai trò điều khiển của nhà nước, hạn chế việc mua đi bán lại cũng như tránh tình trạng xin – cho. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi nhấn mạnh chuyển nhượng không phải là giữa các doanh nghiệp với nhau mà nhà nước phải đứng ra điều khiển, tránh việc “người năng lực chỉ lo đi đấu giá, có quyền rồi lại chuyển cho người năng lực kém”, dẫn đến nhà nước “đấu giá để tìm người giỏi thì việc lại rơi vào tay người kém”. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng cảnh báo thực tế việc chuyển nhượng ngầm, đứng tên, núp bóng vẫn diễn ra, gây nhiều phức tạp khi xảy ra tranh chấp mà nhà nước không được lợi gì. Vì vậy việc không cho phép chuyển nhượng chỉ dễ cho cơ quan quản lý chứ không giải quyết được thực tế phức tạp. 

Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên giải trình siết chặt việc chuyển nhượng là để hạn chế việc mua đi bán lại các mỏ, đồng thời ràng buộc các doanh nghiệp tham gia đấu giá. 

  • Theo Vietnamnet.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.