Ngành TN&MT đi lên cùng đất nước

Tại Triển lãm thành tựu kinh tế xã hội Việt Nam và Thăng Long – Hà Nội tại Trung tâm Hội trợ triển lãm Việt Nam, ngành TN&MT thu hút khá đông khách tham quan

Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức thăm phần trưng bày lĩnh vực đo đạc bản đồ

Khu trưng bày của Bộ TN&MT làm nổi bật  Phương pháp trưng bày thể hiện tính dân tộc kết hợp với hiện đại, trang trí tổng thể đảm bảo không gian mở, liên hoàn, tính mỹ quan cao, hình thức trưng bày tạo các điểm nhấn khoa học, sinh động, hấp dẫn, phong phú.

Ông Lê Văn Hợp, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng (Bộ TN&MT) cho biết, gian trưng bày giới thiệu nổi bật từng lĩnh vực của ngành như đất đai, môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, biển và hải đảo, địa chất khoáng sản… Kết hợp giữa tài liệu và hiện vật, cùng với sự thuyết minh giới thiệu của các cán bộ ngành, khách tham quan có được cái nhìn tổng thể về quá trình hình thành và phát triển của ngành.

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển (trái) với cán bộ ngành TN&MT tại triển lãm

Bộ TN&MT mới thành lập năm 2002 song các lĩnh vực đã có quá trình phát triển lâu dài, với những thành tựu nổi bật trong xây dựng và phát triển kinh tế xã hội đất nước. Đó là khí tượng thủy văn với truyền thống hơn 100 năm, quản lý đất đai, địa chất với lịch sử 65 năm… 

Chị Dương Thị Ngà, cán bộ Trung tâm Thông tin và Lưu trữ địa chất (Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết, phần trưng bày về địa chất khoáng sản hút khách tham quan bởi các mẫu khoáng vật mà nhiều người ít có cơ hội được tận mắt trông thấy như quặng thạch anh, đá rubi, saphia…

Ông Hoàng Đăng Linh ở Thanh Xuân (Hà Nội) đến với gian trưng bày của Bộ TN&MT để hiểu rõ quá trình phát triển của một ngành ngày càng quan trọng với sự bền vững của đất nước. “Đến đây tôi mới hiểu các cán bộ TN&MT vất vả ra sao để xây dựng được một tấm bản đồ, tìm được một mỏ khoáng sản hay một  nguồn nước ngầm cho bà con vùng cao…”, ông Linh nói.

Khách tham quan gian trưng bày lĩnh vực môi trường

Anh Nguyễn Trọng Phương (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho biết, khách tham quan rất thích thú được nhìn thấy những hộp đựng cát nhiều màu – đó chính là những sa khoáng ven biển. Cát thủy tinh trắng đục, cát xây dựng nâu xám, sa khoáng titan, sa khoáng ilmenit màu đen xám là nguyên liệu chính để sản xuất vỏ máy bay; quặng zircon màu hồng nhạt được dùng trong sản xuất gốm… “Tổng cục Biển và Hải đảo đang đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, để tìm kiếm các nguồn khoáng sản mới, như băng cháy – nguồn nhiên liệu sạch cho tương lai, kết hạch sắt Mangan nằm ở vùng biển sâu”, anh Phương nói…

Chăm chú với các mẫu sa khoáng ven biển

Theo cán bộ của Công ty Cổ phần thiết bị khí tượng thủy văn và môi trường, những tài liệu, thông tin được đông đảo người dân quan tâm nhất là về biến đổi khí hậu. Hai sinh viên Khoa Môi trường (Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) Khánh Hòa và Tuyết Mai đến với Hội chợ để tìm các tài liệu phục vụ học tập. “Sinh viên chúng em ít có điều kiện đi dự các hội thảo chuyên ngành. Các tài liệu từ triển lãm là những tư liệu quý”, Hòa tâm sự.

Hai sinh viên môi trường thu thập được nhiều tư liệu từ triển lãm

“Luật Đất đai và các công trình nghiên cứu khoa học về đất đai là những tài liệu được người xem hỏi đến nhiều nhất”, chị Nguyễn Thị Thùy Dương (Tổng cục Quản lý đất đai) cho biết. Phần trưng bày về thành tựu ngành quản lý đất đai hấp dẫn người xem còn bởi bộ phim “65 năm quản lý đất đai Việt Nam – Những chặng đường phát triển” đã ghi lại khá chi tiết những dấu mốc của ngành.

Lãnh đạo Bộ TN&MT với các cán bộ ngành

Ngành TN&MT mạnh mẽ đổi mới theo hướng hiện đại hóa, kinh tế hóa, đi lên cùng sự phát triển của đất nước.

                                                                     Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

panen77

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.