Nhiều “đại gia” BĐS kêu oan khi bị ngành thuế phanh phui nợ nần

Nhiều doanh nghiệp BĐ sau khi tiếp những thông tin báo cáo lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh 6 và 9 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp còn bị ngành thuế phanh phui các khoản nợ khó đòi.

Lý do muôn vẻ

Với tổng số 58 dự án bất động sản (BĐS), Hà Đông được đánh giá là quận có nguồn cung căn hộ lớn nhất trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Thông tin từ Chi cục thuế Hà Đông cho biết, tính đến hết tháng 10/2011, hầu hết doanh nghiệp BĐS đã cơ bản hoàn tất tiền thuế sử dụng đất với số tiền thu được đạt gần 6.000 tỷ đồng.

Nhưng vẫn còn tồn đọng đến 800 tỷ đồng tiền phạt nộp chậm. Cực chẳng đã ngành thuế đã phải sử dụng sức ép của công luận để đòi nợ.

Báo cáo tình hình nộp thuế sử dụng đất được cung cấp mới đây liệt kê những "ông lớn" như Công ty Phát triển Đô thị Quốc tế VN – chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn (Parkcity); Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (dự án Geleximco); Công ty Thương mại Dịch vụ Nam Cường (dự án Dương Nội)… lần lượt nợ đến 152 tỷ; gần 100 tỷ và 59 tỷ đồng.

Phó chi Cục trưởng Chi cục Thuế quận Hà Đông – ông Lê Tuấn Đỏ cho biết những trường hợp chậm nộp thuế được xác định căn cứ vào Luật Quản lý Thuế. Theo đó, quá 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thuế mà doanh nghiệp chưa hoàn tất thì cơ quan này sẽ ra thông báo.

Đây phổ biến là những dự án cũ từ thời còn Hà Tây. Lý do chậm nộp thuế mà doanh nghiệp đưa ra theo ông Đỏ là "muôn vẻ". Phổ biến nhất là do chưa được bàn giao đầy đủ mặt bằng; do còn phải nghe ngóng do có sự rà soát trên địa bàn sau khi Hà Tây hợp nhất với Hà Nội.

"Lý do này chúng tôi thấy thực tế cũng có yếu tố như thế. Do dự án có quyết định phê duyệt rồi nhưng chưa được hoàn tất giao đất sạch, người dân chưa bàn giao đất, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn" – ông Đỏ nói.

Theo quy định, trường hợp các chủ đầu tư chưa hoàn thành xong nghĩa vụ nộp thuế thì dự án cũng sẽ không được cấp sổ đỏ. Vì thế nhiều khách hàng và nhà đầu tư các dự án nói trên rất hoang mang.

Doanh nghiệp gặp oan?

Trao đổi với Diễn đàn kinh tế VN (VEF.VN) – báo VietNamNet chiều 9/11, một lãnh đạo của Geleximco bày tỏ rất bức xúc trước các thông tin nói trên. Vị này khẳng định chủ đầu tư dự án hiện "không còn nợ một đồng tiền thuế nào". Trong đó tiền thuế sử dụng đất đã được hoàn thành từ năm 2009 và vị này không biết khoản nợ do chậm nộp thuế như thông tin nói trên ở đâu ra.

"Chúng tôi đã có biên bản làm việc ngày 21/3/2011 với đội Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế của Chi cục Thuế Hà Đông và xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng không nhận được văn bản, quyết định nào đề nghị phạt do chậm nộp cả" – đại diện này cho hay.

Cũng tương tự, ông Nguyễn Chân Phương – Phó Tổng GĐ Công ty Phát triển Đô thị Quốc tế VN cũng phủ nhận thông tin nói trên. Theo ông Phương, chủ đầu tư của Park City đã đóng toàn bộ hơn 770 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất. Về tiền phạt nộp chậm tiền sử dụng đất được đề cập ở đây là chưa chính xác.

Lý do là khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, lúc đó Hà Nội mới cho rà soát lại các dự án. Hiện nay tiêu chí rà soát vẫn chưa ngã ngũ. Sở Tài Chính và UBND Hà Nội vẫn làm việc với Bộ Tài Chính để ra phương án thống nhất. Việc ban hành thư thông báo chậm nộp nói trên mới chỉ mang tính chất "đơn phương" từ Chi cục Thuế Hà Đông.

"Chúng tôi khẳng định không nộp chậm tiền thuế sử dụng đất. Mà không nộp chậm thì không phải nộp phạt. Vì thế, chuyện cấp sổ đỏ cho dự án là bình thường" – ông Phương quả quyết.

Trong khi đó khi được hỏi đại diện của Nam Cường thừa nhận có nắm được thông báo về con số 59 tỷ đồng tiền phạt nộp chậm còn nợ từ ngành Thuế của quận. Nhưng phản ứng của Nam Cường có phần dung hòa hơn khi cho rằng, cách tính của cơ quan thuế về việc phạt nộp chậm này là chưa đúng.

Vị đại diện Nam Cường, doanh nghiệp đã hoàn thành tiền thuế sử dụng đất của dự án từ tháng 12/2009. Đến tháng 10/2010, đã đóng tiếp 59 tỷ đồng truy thu rà soát bổ sung tiền thuế sử dụng đất.

Đặc biệt, Khu đô thị mới Dương Nội là dự án được thực hiện theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng (BT). Theo điều 8.3 của Hợp đồng BT giữa chủ đầu tư và cơ quan nhà nước thì việc nộp tiền thuế tiền sử dụng đất sẽ được doanh nghiệp thực hiện khi được bàn giao toàn bộ diện tích đất. Nhưng thực tế cho đến nay dự án này vẫn còn khoảng mấy hecta chưa được bàn giao.

Cách hiểu khác nhau giữa ngành thuế và doanh nghiệp do chênh lệch về thời gian giữa thời điểm tính thuế thông thường là khi doanh nghiệp được bàn giao quyết định cấp phép từ năm 2005 với cách tính thuế đối với dự án BT là thời điểm bàn giao hết đất sạch đã dẫn đến số tiền phạt nói trên.

"Chúng tôi thực hiện đúng hợp đồng BT là không sai. Ngành thuế cũng làm đúng quy trình thông thường. Cái chính ở đây chỉ là sự phối hợp mà thôi" – đại diện Nam Cường nói.

Các "đại gia" nâng quan điểm cho rằng, trong bối cảnh thị trường BĐS đang nguội lạnh hiện nay mà các bên vẫn còn "hậm hực" với nhau, đưa ra những thông tin không mong muốn như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và uy tín của doanh nghiệp.

 

Theo Nguyễn Nga
VEF

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.