Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đề xuất giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản bền vững, hiệu quả

Ngày 2/3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và chủ trì Hội nghị.

  Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương. 



Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường là một vấn đề quan trọng, đã được đưa vào Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2012. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cần tập trung vào thảo luận, làm rõ 7 nội dung, bao gồm việc đánh giá thực trạng công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản cũng như tiềm năng khoáng sản; làm rõ tính đồng bộ, khả thi và những bất cập của hệ thống các văn bản luật về khoáng sản hiện hành; thực trạng chính sách bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ về quản lý khoáng sản của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh để từ đó có kiến nghị và đề xuất hoàn thiện công tác quản lý nhà nước; xem xét hiệu quả kinh tế trong khai thác, chế biến sử dụng và xuất khẩu các khoáng sản; đánh giá thực trạng về sử dụng công nghệ cũng như việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người lao động và an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; các đề xuất giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường để hướng tới sử dụng tài nguyên khoáng sản của đất nước một cách bền vững, hiệu quả và đem lại giá trị kinh tế cao.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là một trong số các quốc gia được đánh giá là phong phú và đa dạng về tài nguyên khoáng sản, với khoảng hơn 5.000 điểm mỏ của hơn 60 loại khoảng sản, trong đó có nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn như: bauxite, titan, đất hiếm… Các hoạt động khai khoáng đã và đang góp phần đáng kể cho nền kinh tế đất nước. Từ năm 2000 – 2008, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành khai khoáng khoảng 15,2% năm, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động… Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý khai thác khoáng sản cũng tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp khai khoáng cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề về môi trường trong hoạt động này. Quá trình khai thác mỏ làm thay đổi môi trường xung quanh, phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái, gây ra ô nhiễm. Trong khi đó, việc thực hiện chính sách, chiến lược và pháp luật môi trường trên thực tế diễn ra với tốc độ chậm; việc phối hợp giữa các ban, ngành trong lĩnh vực môi trường và kết hợp với các lĩnh vực khác chưa được như yêu cầu; nhận thức và sự tham gia của cộng đồng chưa cao…

18 báo cáo tổng quan về tình hình quản lý và phát triển ngành công nghiệp thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và các ý kiến trao đổi tại Hội nghị cho thấy một bức tranh toàn cảnh về tình trạng buông lỏng quản lý, cấp phép tràn lan; tổn thất tài nguyên khoáng sản còn rất lớn (tổn thất trong khai thác công nghệ hầm lo từ 40 – 60%, trong khai thác apatit, quặng kim loại, đá xây dựng cũng thất thoát từ 15 tới 43%…), nhưng đã và đang xâm hại môi trường nghiêm trọng. Nhiều đại biểu hy vọng những đột phá của Luật Khoáng sản 2010 đã có hiệu lực, sẽ được triển khai ngay khi các Nghị định hướng dẫn được Chính phủ ban hành trong thời gian tới đây, sẽ khắc phục từng bước những tồn tại trên đây. “Bức tranh khá toàn diện, đầy đủ này giúp cho các Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những đánh giá xác đáng hơn trong quá trình giám sát thực tế; có những đóng góp hiệu quả giúp ngành khai thác khoáng sản phát triển nhưng bảo vệ tốt môi trường” – Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát nói.

 

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn

panen77

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.