Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức làm việc về quy hoạch mạng lưới trạm GPS cố định trên lãnh thổ Việt Nam

Ngày 13/8, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức làm việc với Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam về việc tiếp thu, giải trình quy hoạch mạng lưới trạm GPS cố định trên lãnh thổ Việt Nam. Cùng dự buổi làm việc còn có đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông – Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng; đại diện một số Vụ chức năng trực thuộc Bộ.

Mục tiêu của việc xây dựng quy hoạch các trạm GPS cố định (DGPS) nhằm xác định các tiêu chí về yêu cầu kỹ thuật, vị trí phù hợp với mục đích của từng lưới trạm GPS cố định phủ trùm lãnh thổ Việt Nam đáp ứng các nhu cầu quản lý Nhà nước về lãnh thổ, quản lý các hoạt động kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng các nhu cầu sử dụng thông tin của cộng đồng phục vụ quản lý sản xuất, dịch vụ, nghiên cứu khoa học.

 

Cục trưởng Nguyễn Tuấn Hùng cho biết: Theo Dự thảo Quy hoạch, từ nay đến năm 2012 sẽ xây dựng 22 trạm GEODETIC CORS; xây dựng 39 trạm NRTK CORS nhằm mục đích tăng dày (trước mắt là cho khu vực kinh tế trọng điểm) từ các trạm cơ sở để mở rộng vùng phủ sóng tín hiệu cải chính phục vụ công tác đo đạc bản đồ chi tiết với độ chính xác cao (cỡ vài cm) và định vị, dẫn đường ở cự ly gần. Đồng thời sẽ tiến hành xây dựng 2 trạm trung tâm tại Hà Nội và TP.HCM. Theo ông Hùng, khi hoàn thành, trên toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ có khoảng trên 100 trạm GPS cố định.

Toàn cảnh buổi làm việc

Hiện nay, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đang quản lý 6 trạm DGPS. Đây là các trạm ngoài việc phục vụ cho việc đo tĩnh còn có khả năng cung cấp tín hiệu cải chính phân sai với độ chính xác cao để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Trong số 6 trạm này có 4 trạm thuộc hệ thống trạm quốc gia là Đồ Sơn, Điện Biên, Vũng Tàu và Quảng Nam, 2 trạm còn lại là Hà Giang và Cao Bằng được xây dựng để phục vụ công tác phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng cũng xây dựng 6 trạm GPS cố định phục vụ riêng cho mục đích quốc phòng. Hiện nay, 2 trạm tại Đà Nẵng và Phú Quốc đã đi vào hoạt động; 2 trạm tại Móng  Cái và đảo Trường Sa lớn sẽ được hoàn thành xây dựng trong các năm 2010 và 2011.

– Trạm NRTK CORS: phục vụ cho hoạt động đo đạc thành lập bản đồ địa chính, bản đồ địa hình các tỷ lệ, các hoạt động khảo sát, thi công các công trình xây dựng, giao thông; phục  vụ cho công tác giám sát, điều khiển, dẫn đường các phương tiện hàng không, đường sắt, đường bộ, hàng hải yêu cầu độ chính xác cao…

– Trạm GEODETIC CORS: làm các điểm cơ sở cho hệ tọa độ quốc gia, phục vụ công tác xây dựng hệ quy chiếu động; thu thập lưu trữ dữ liệu phục vụ cho việc hậu xử lý ngành đo đạc, khảo sát, hỗ trợ thường xuyên xác định được mật độ điện tử tự do ở tầng điện ly và tổng lượng hơi nước ở tầng đối lưu phục vụ các công tác dự báo thời tiết và an ninh quốc phòng…

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh, công nghệ GPS đã được ứng dụng ở Việt Nam từ những năm 1990 trong lĩnh vực đo đạc bản đồ phục vụ việc xây dựng hệ thống lưới tọa độ quốc gia VN2000; đo khống chế ảnh, thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/2000, 1/5000; xác định mặt QuasiGeoid theo phương pháp thủy chuẩn -GPS; ứng dụng công nghệ GPS động trong việc cắm mốc biên giới và đo đạc thành lập bản đồ địa hình đáy biển…

Trong giai đoạn hiện nay, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ GPS trong ngành đo đạc và bản đồ, các ngành kinh tế quốc dân thì việc đầu tư xây dựng các trạm GPS cố định là vô cùng cần thiết. Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức lưu ý về tiến độ xây dựng trạm GPS nên chia làm 2 giai đoạn là từ 2011 – 2015 và 2016 – 2020. Thứ trưởng đề nghị, sau cuộc họp này, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cần sớm hoàn thành Quy hoạch mạng lưới, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, sớm trình Bộ phê duyệt.

 

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.