Xây dựng Chiến lược bảo vệ, khai thác và sử dụng khoáng sản

Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng khoáng sản một cách hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường.

Ngày 20/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã họp chỉ đạo việc khẩn trương xây dựng Chiến lược khoáng sản, các chương trình hành động và dự thảo Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đây là các văn bản triển khai Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Luật Khoáng sản được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010.

Định hướng, mục tiêu của các văn bản này là nâng cao nhận thức về vai trò ý nghĩa của khoáng sản đối với sự phát triển đất nước, bảo đảm khoáng sản được quản lý, bảo vệ và khai thác, chế biến, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu để phát triển bền vững kinh tế-xã hội từ nay đến 2020, có tính đến 2030. Đồng thời, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, điều tiết hợp lý lợi ích từ khai thác khoáng sản.

Chiến lược quốc gia về khoáng sản sẽ đưa ra quan điểm chỉ đạo trong quản lý quy hoạch, khai thác, sử dụng khoáng sản, yêu cầu về công tác điều tra, đánh giá, thăm dò, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản,…

Chiến lược cũng sẽ đưa ra định hướng trong công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra, khai thác đối với từng loại khoáng sản như năng lượng, kim loại, khoáng chất công nghiệp, nguyên liệu cho vật liệu xây dựng. Đồng thời, đề ra chính sách bảo vệ, sử dụng và dự trữ tài nguyên khoáng sản, chính sách, giải pháp đầu tư, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, môi sinh,…

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị gồm các nội dung, nhiệm vụ tổng thể về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; đổi mới cơ chế chính sách về đầu tư khoa học và công nghệ, thăm dò, khai thác, chế biến, tài chính, dự trữ và xuất khẩu, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, đảm bảo an ninh quốc phòng, cảnh quan, di tích, văn hóa và môi trường,…

Vấn đề đấu giá quyền khai thác khoáng sản, một trong những nội dung mới trong Luật Khoáng sản, hứa hẹn tạo ra cơ chế  minh bạch, lợi ích tối đa và điều tiết hợp lý trong khai thác khoáng sản sẽ được hướng dẫn trong một Nghị định riêng.

Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ đưa ra công thức và các quy định đấu giá quyền khai thác ở khu vực đã thăm dò cũng như chưa thăm dò khoáng sản. Các nguyên tắc, thủ tục, thiết chế liên quan được dự thảo với các phương án khác nhau để có thể đưa ra mô hình quản lý, vận hành cơ chế đấu giá tài sản đặc thù này một cách hiệu quả nhất.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường sớm lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, hoàn chỉnh các dự thảo văn bản nói trên để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian tới.

Trong đó, các bản chiến lược, chương trình hành động phải nêu rõ quan điểm định hướng bao trùm trong quản lý khai thác khoáng sản, đồng thời đưa ra đầy đủ các nhiệm vụ, công việc, thời gian triển khai và các đầu mối thực hiện trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản.

Đối với Nghị định đấu giá, phải tính toán, đưa ra được công thức tối ưu, phù hợp thực tế  để tính giá khai thác, các trình tự, thủ tục đấu giá xây dựng theo hướng vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư, vừa quản lý khoáng sản đúng theo định hướng, chiến lược đã xác định.

Nguồn tin:http://www.vea.gov.vn

panen77

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.